Tiền chiến Phòng_trà_ca_nhạc

Phòng trà ca nhạc đầu tiên là Quán Nghệ sĩ, mở ở đường Bờ Hồ, Hà Nội năm 1946. Đây là nơi gặp gỡ của nhiều nhạc sĩ khi đó như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Không chỉ tân nhạc, phòng trà này còn trình diễn cả các nhạc phẩm cổ điển. Sau Quán Nghệ sĩ, một số phòng trà khác cũng được mở: Thăng Long ở phố Hàng Bông, Tuyết Sơn ở phố Thợ Nhuộm, Thiên Thai ở phố Hàng Gai.

Trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết:

Quán Nghệ sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có nam ca sĩ Mai Khanh thường tới hát bài Bên hồ liễu. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, trưởng ban Quân nhạc Lính Khố Xanh thì chuyên hát bài Con chim lạc bạn. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới để làm xướng ngôn viên.

Ở phố Hàng Bông, có phòng trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Phòng trà này do ông Đinh Văn Tiệp, một thương gia thời đó làm chủ. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có phòng trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn tàn thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng.

Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là Thiên Thai, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao.

Tiếp đó, tại Huế cũng xuất hiện một số phòng trà, nổi tiếng hơn cả là Tam Tinh với giọng ca Ngọc Cẩm. Chiến tranh Việt-Pháp nổ ra, các phòng trà ca nhạc đều đóng cửa.